NHỮNG LƯU Ý KHI CHUẨN BỊ LỄ NẠP TÀI SAO CHO ĐÚNG
Những cặp đôi khi quyết định tiến tới hôn nhân sẽ cần phải tổ chức nhiều lễ nghi theo truyền thống nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa và những bước chuẩn bị cho các lễ này. Một trong số đó chính là Lễ nạp tài, nay Đại Hỷ sẽ chia sẻ đến các đôi uyên ương những thông tin về Lễ nạp tài và cách chuẩn bị sao cho đúng nhất nhé.
1. LỄ NẠP TÀI LÀ GÌ? Ý NGHĨA THẾ NÀO?
Lễ nạp tài là một phong tục không thể thiếu trong nghi thức cưới hỏi của người Việt. Đây là sính lễ và tiền nhà trai trao cho nhà gái trong ngày đám hỏi hoặc rước dâu . Lễ nạp tài thể hiện lòng biết ơn của họ nhà trai đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của họ nhà gái. Ngoài ra tiền nạp tài được xem là khoản đóng góp hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức đám cưới của đôi bạn trẻ.
2. TIỀN NẠP TÀI ĐÁM CƯỚI BAO NHIÊU?
Tùy theo yêu cầu thách cưới của nhà gái hoặc điều kiện kinh tế của nhà trai để quyết định số tiền nạp tại là bao nhiêu. Tiền nạp tài được chọn thường là số lẻ, số đẹp và được cho là sẽ mang lại may mắn cho đôi vợ chồng son lẫn gia đình 2 bên. Chẳng hạn, tiền nạp tài là 8.888.000 đồng có ý nghĩa cầu mong làm phát đạt, số tiền 6.800.000 đồng chỉ sự phát lộc, số tiền 9.999.000 đồng giúp mang lại may mắn.
Số tiền này thông thường không quá lớn, tuy nhiên cũng là một vấn đề mà hai gia đình nên cân nhắc để tránh xảy ra xung đột đáng tiếc giữa hai bên. Nhà gái cũng cần dựa theo hoàn cảnh bên nhà trai để đưa ra “tiền thách cưới” hợp lý. Quan trọng vẫn là hai con có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, đầy đủ.
Ngoài tiền nạp tài thì 2 bên gia đình thường chuẩn bị thêm tiền mua duyên để trao cho dàn bê tráp . Số tiền này có thể giao động từ 50.000đ đến 200.000đ tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.
3. LỄ NẠP TÀI CẦN CHUẨN BỊ SÍNH LỄ GÌ?
Theo truyền thống, lễ nạp tài thường có những sính lễ sau:
3.1 TRẦU CAU
Trầu cau là món lễ không thể thiếu trong ngày vui trọng đại. Đây là món sính lễ đại diện cho tình phu thê bền chặt, gắn bó như trầu cau luôn quấn quýt bên nhau. Cau được chọn là những buồng cau đẹp, trái tròn đều, xanh tươi. Người ta thường dán lên mỗi trái cau chữ Hỷ màu đỏ với mong muốn mang lại may mắn.
3.2 BÁNH PHU THÊ
Hay còn gọi là bánh xu xê, là lễ vật không thể thiếu, tượng trưng cho tình cảm vợ chồng. Ngoài món bánh đặc biệt này, một số nơi còn tặng thêm các món bánh khác như bánh kem (miền Nam), bánh cốm (miền Bắc).
3.3 HEO QUAY HOẶC XÔI GÀ
Heo quay hoặc xôi gà được lựa chọn để làm lễ vật cưới hỏi. Heo được chọn là heo sữa, làm sạch và quay nguyên con, có màu vàng ươm rất đẹp. Heo được gói bằng giấy, phủ vải đỏ lên thân, đầu và đuôi được trang trí thêm các phụ kiện như vòng, hoa lá trông đẹp mắt.
3.4 TRANG SỨC CƯỚI
Trang sức trong lễ nạp tài thường được làm bằng vàng, gồm nhẫn cưới, lắc tay, bông tai, dây chuyền, kiềng vàng… Tùy theo khả năng và tấm lòng của nhà trai để họ trao tặng cho cặp đôi.
3.5 RƯỢU, TRÀ
Rượu và trà được đặt chung một mâm lễ và đi theo cặp. Hộp trà được bao bằng giấy kiếng đỏ, rượu có thể là rượu gạo, rượu tây hoặc rượu Champagne. Mỗi thứ đều được dán thêm chữ Hỷ màu đỏ thêm đẹp mắt.
4. CÁCH BÀY TRÍ LỄ VẬT LỄ NẠP TÀI KHI MANG SANG NHÀ GÁI
Các món lễ vật thường kết công phu và đặt vào trong mâm tráp, phủ vải đỏ lên trên. Riêng heo quay có kích thước lớn nên được đặt trên mâm riêng, dùng giấy đỏ gói bên ngoài hoặc phủ vải đỏ lên phần thân.
Trong khi đó, tiền nạp tài sẽ được cho vào bao lì xì đỏ có chữ Hỷ to, nổi bật và thường đặt chung với mâm trầu cau.